Cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ bảo vật quốc gia

Sự việc ngai vàng triều Nguyễn bị xâm hại vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn bộ hệ thống bảo tàng, di tích trên cả nước. Đây không chỉ là một sự cố đơn lẻ, mà còn cho thấy rõ những lỗ hổng trong công tác bảo vệ, trưng bày và kiểm soát hiện vật, nhất là các bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt.

Không chỉ là trách nhiệm, mà là mệnh lệnh cấp thiết

Theo khảo sát tại một số bảo tàng lớn tại Hà Nội, hiện nay công tác bảo vệ hiện vật, đặc biệt là các bảo vật quốc gia, đang được triển khai tương đối nghiêm ngặt.

bao-tang-lich-su-quoc-gia
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hiện đang lưu giữ và bảo quản 28 bảo vật quốc gia, gồm nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như đồng, gốm, đá, kim loại quý, giấy, gỗ… có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm. Trong số đó có những hiện vật khảo cổ học tiêu biểu như trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, cho đến những di sản thời cận hiện đại gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký trong tù”

Một phần trong số này được trưng bày cố định, phần còn lại được lưu giữ trong kho chuyên dụng. Theo bà Nguyễn Thị Hương Thơm – Trưởng Phòng Bảo quản, tất cả các hiện vật đều được bảo vệ bằng hệ thống an ninh khép kín gồm tủ kính chuyên dụng, hệ thống báo cháy – báo trộm, camera giám sát và lực lượng bảo vệ trực 24/24.

bao-tang-my-thuat-viet-nam
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ 9 bảo vật quốc gia, tiêu biểu như:

  • Tượng Phật bà Quan Âm (Chùa Hội Hạ, Vĩnh Phúc – thế kỷ XVI),
  • Cánh cửa chạm rồng (Chùa Keo, Thái Bình – thế kỷ XVII),
  • Tác phẩm “Em Thúy” (Trần Văn Cẩn, 1943 – tranh sơn dầu).

Tại đây, hệ thống giám sát camera vận hành liên tục, các bảo vật còn được trang bị thiết bị cảm biến phát hiện chuyển động và cảnh báo tiếp cận quá gần, giúp lực lượng bảo vệ xử lý kịp thời mọi tình huống bất thường. Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, mọi quy trình bảo vệ đều được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là với các hiện vật có giá trị cao về văn hóa – nghệ thuật.

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ – được công nhận là bảo vật quốc gia, hệ thống giám sát và lực lượng bảo vệ cũng được bố trí dày đặc. Các camera được lắp đặt tại khu vực trọng yếu, đặc biệt là tại khu vườn bia, nơi chứa những tấm bia đá có giá trị lịch sử lớn. Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: ngoài giám sát hình ảnh, công tác phòng cháy chữa cháy cũng được đặc biệt chú trọng.

Nhiều nơi vẫn thiếu nguồn lực và cơ chế giám sát hiệu quả

Dù vậy, không ít di tích, bảo tàng ở các địa phương còn gặp khó khăn về ngân sách, nhân sự chuyên môn và trang thiết bị bảo vệ, khiến nhiều bảo vật quý giá vẫn chưa được lưu giữ đúng với tiêu chuẩn cần thiết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh:

“Không thể chỉ chờ đến khi có sự cố mới tìm cách ứng phó. Công tác bảo vệ di sản cần được thực hiện một cách chủ động, tổng thể và liên ngành”.

Ông đề xuất:

  • Thiết lập tiêu chuẩn bảo vệ bắt buộc đối với di tích có lượng khách lớn.
  • Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, cảm biến thông minh vào giám sát.
  • Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị quản lý, đầu tư thêm nguồn lực, đồng thời nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ di sản.

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng khẳng định:

“Một khi bảo vật bị xâm hại, mất mát – sẽ không thể phục hồi. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc, đòi hỏi phải có ý thức chủ động từ sớm”.

Ông nhấn mạnh, cần lập hồ sơ chi tiết cho từng hiện vật, tăng cường cơ chế giám sát độc lập, lắp đặt camera 24/24 là điều bắt buộc tại các khu vực trưng bày.

>>> Có thể bạn cũng sẽ quan tâm tới bài viết: Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trật tự với hệ thống camera

Cần hành động ngay

Trước thực trạng nhiều di sản, bảo vật quốc gia bị xâm hại, ngày 11/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ hệ thống di tích đã kiểm kê, xếp hạng, đảm bảo phải có người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, trông coi từng địa điểm.

Bảo vật quốc gia là phần tinh hoa quý giá nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc. Việc bảo vệ chúng không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa, mà cần sự vào cuộc của chính quyền, chuyên gia, lực lượng kỹ thuật và cả cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta không thể chậm trễ thêm một phút nào nữa.

Bài viết liên quan